Phát triển giáo dục thường xuyên là một nội dung cơ bản trong lộ trình xây dựng xã hội học tập. Đây là một trong những khái niệm cốt lõi tạo nên một tam thức giáo dục bao hàm hầu hết các nội dung, phương thức, phương pháp, tính chất, ý tưởng và quản lý sự nghiệp giáo dục người lớn

+
Xem ảnh gốc

I. Giáo dục thường xuyên trong xã hội học tập

Phát triển giáo dục thường xuyên là một nội dung cơ bản trong lộ trình xây dựng xã hội học tập. Đây là một trong những khái niệm cốt lõi tạo nên một tam thức giáo dục bao hàm hầu hết các nội dung, phương thức, phương pháp, tính chất, ý tưởng và quản lý sự nghiệp giáo dục người lớn. Tam thức đó là:

  • Giáo dục thường xuyên
  • Đào tạo liên tục
  • Học tập suốt đời

Có 2 cách tiếp cận khái niệm giáo dục thường xuyên:

1. Cách tiếp cận thứ nhấtGiáo dục thường xuyên là một hệ thống những thiết chế giáo dục dành cho người lớn học tập dưới hình thức giáo dục không chính quy là chủ yếu. Những thiết chế giáo dục không chính quy này nằm trong hệ thống giáo dục tiếp tục.

Hệ thống giáo dục ban đầu: Bao gồm những thiết chế giáo dục chính quy như các cơ sở giáo dục: từ nhà trẻ, mẫu giáo, trường phổ thông các cấp, trường dạy nghề, đến trường cao đẳng và đại học.

Hệ thống giáo dục tiếp tục: Bao gồm những thiết chế giáo dục không chính quy như Trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh, Trung tâm giáo dục thường xuyên cấp huyện, Trung tâm Học tập cộng đồng cấp xã, Trung tâm Ngoại ngữ, tin học, bồi dưỡng ngắn hạn. Bên cạnh đó là các cơ sở “dịch vụ hỗ trợ” giáo dục như Thư viện, Bảo tàng, Nhà văn hóa, Câu lạc bộ v.v… có trên địa bàn hành chính các cấp. Các cơ sở này giúp người dân cần gì học nấy theo hình thức giáo dục phi chính quy (trong Luật Giáo dục hiện hành coi hình thức này cũng là không chính quy).

2. Cách tiếp cận thứ hai: Ở bình diện chính sách phát triển giáo dục, giáo dục thường xuyên được coi là chính sách quốc gia về giáo dục, theo UNESCO thì đó là những chính sách quốc gia được xếp vào loại ưu tiên so với các chính sách giáo dục khác, thúc đẩy GD vì sự phát triển bền vững. Việc tổ chức giáo dục cho mọi thời kỳ lứa tuổi của con người được thực hiện theo chính sách giáo dục thường xuyên – chính sách giúp cho “ai cũng được học hành” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng phát biểu.

II. Khái niệm người lớn trong chính sách giáo dục thường xuyên

Cụm từ người lớn ở đây được thế giới thống nhất hiểu như sau:

- Tất cả những ai học trong hệ thống giáo dục ban đầu đều không coi là học viên người lớn.

- Những người không có cơ hội học tập trong hệ thống giáo dục ban đầu, hoặc không có điều kiện học hết chương trình của hệ thống này, hoặc đã qua các cấp học thuộc hệ thống này mà theo học tại các cơ sở thuộc hệ thống giáo dục tiếp tục đều coi là học viên người lớn.

Tóm lại, khái niệm người lớn ở đây không theo quy định của Luật Lao động, mà thuật ngữ người lớn chỉ được hiểu là những người đi học (học viên) tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục tiếp tục, học theo những chương trình học tập không chính quy/GDTX.

III. Vai trò của giáo dục thường xuyên đối với việc học tập suốt đời của công dân

Trong xã hội học tập, bất kỳ công dân nào cũng thực hiện việc học tập suốt đời như một nghĩa vụ trước nhà nước. Trước bối cảnh phát triển kinh tế tri thức, trong điều kiện cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tiến triển, bất cứ ai, không loại trừ bất kỳ tuổi tác, trình độ chuyên môn – nghề nghiệp, địa vị xã hội, hoàn cảnh sống và lao động, giới tính và thành phần dân tộc… cũng phải tiến hành học tập để tránh rơi vào tình trạng bị lão hóa tri thức, lạc hậu về tay nghề, thích ứng được với những thay đổi nhanh chóng, liên tục của xã hội.

Giáo dục thường xuyên thực hiện 4 trụ cột giáo dục mà UNESCO đưa ra:

- Học để biết;

- Học để làm;

- Học để chung sống;

- Học để làm người.

Mọi người khi đã được xóa mù chữ cơ bản đều tiến hành học tập suốt đời theo 4 trụ cột giáo dục nói trên. Quan niệm này được sự đồng thuận của nhiều quốc gia.

Giúp vào việc học tập suốt đời, giáo dục thường xuyên có hai nhiệm vụ phải thực hiện:

  • Tạo ra (xây dựng) những thiết chế giáo dục thường xuyên đủ để mọi người dân đều tìm được cho mình một cơ hội tham gia học tập suốt đời;
  • Góp phần hoạch định chính sách để việc học tập của người lớn được thuận lợi, phương thức học được cải thiện và đổi mới.

Người lớn học tập suốt đời qua hệ thống các thiết chế giáo dục thường xuyên với những chính sách tương ứng sẽ được hưởng lợi về những phương diện nào? Theo chúng tôi, đó là:

- Được cập nhật những tri thức và kỹ năng cần cho việc làm và cần cho đời sống cá nhân để không bị mù chữ hành dụng, tức là mù những kỹ năng mà cuộc sống của họ đòi hỏi;

- Họ sẽ từng bước thoát nghèo đa chiều, trước hết là xóa nghèo tri thức, tiếp sau đó, nhờ sự giàu có từng bước về tri thức mà họ xóa nghèo nhân văn và nghèo thu nhập;

- Được phát huy những năng lực còn tiềm ẩn mà giáo dục ban đầu chưa giúp họ bộc lộ được những năng lực đó.

IV. Giáo dục thường xuyên là hệ thống giáo dục mở

Giáo dục thường xuyên là một cấu trúc giáo dục mở trong cấu trúc lớn là xã hội học tập, mà xã hội học tập là một mô hình giáo dục mở. Nội hàm “giáo dục mở” của hệ thống giáo dục mở thể hiện về các phương diện sau:

Mở về đối tượng học tập:  Mọi người không học ở hệ thống giáo dục ban đầu đều được hệ thống giáo dục tiếp nhận, không loại trừ một ai, không có rào cản việc học tập của bất cứ ai.

Mở về địa điểm học tập:  Mỗi người sẽ mở dần việc lựa chọn địa điểm học tập như học tại Trung tâm Học tập cộng đồng, Trung tâm giáo dục thường xuyên, thư viện, nhà văn hóa, câu lạc bộ, cơ quan, công sở và tại nhà…

Mở về thời gian học tập: Tức là việc học không chỉ đóng khung theo khung thời gian cố định, mà học trong mọi lúc có thể: trong lúc làm việc, hội họp, nghỉ ngơi, giao lưu; việc học không chỉ ở lứa tuổi đến trường mà diễn ra trong suốt cuộc đời.

Mở về phương pháp học tập:  Với người lớn, các phương pháp học tập có thể theo phương pháp truyền thống như tới lớp nghe giảng viên trình bày tài liệu, song cũng có thể học theo nhóm có sự hướng dẫn, học dưới hình thức trao đổi, chia sẻ tri thức, kinh nghiệm và phương pháp cơ bản là tự học có hướng dẫn và tự học độc lập.

Mở về phương tiện học tập: Ngoài phương tiện học tập như tài liệu được in ấn thường thấy, việc sử dụng các công nghệ học tập ngày càng được ứng dụng như vô tuyến truyền hình, máy tính bàn, máy tính bảng, điện thoại di động.

Mở về ý tưởng học tập: Những ý tưởng cần được đặt ra cho người lớn đi học đang cần chú ý là mở rộng nghề, phát triển dịch vụ xã hội, lập nghiệp, khởi nghiệp, chuyển đổi lao động nghề nghiệp…

Mở về nội dung học tập: Trong điều kiện phát triển kinh tế tri thức, đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và yêu cầu tiếp cận nhanh với những thành quả của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nội dung học tập trong hệ thống giáo dục thường xuyên cũng mở ra những hướng mới, nhất là:

- Phát triển các chương trình giáo dục khởi nghiệp;

- Tăng các chương trình chuyển giao công nghệ sản xuất;

- Mở rộng các chương trình mở mang nghề ở địa phương;

- Đa dạng hóa chương trình xóa mù chữ chức năng;

- Tiến hành đưa nội dung giáo dục phát triển bền vững vào Trung tâm giáo dục thường xuyên và Trung tâm Học tập cộng đồng;

- Xây dựng các chương trình phục vụ phát triển nông thôn mới, đô thị văn minh, hỗ trợ xây dựng các mô hình học tập theo Quyết định 89/QĐ-TTg, 281/QĐ-TTg và Thông tư 44/2014/TT-BGDĐT.

V. Tác dụng của Giáo dục thường xuyên tại địa phương

Theo dõi hoạt động của hệ thống giáo dục thường xuyên, nhất là hệ thống hơn 11.000 Trung tâm Học tập cộng đồng, có thể đánh giá khách quan và công bằng như sau:

- Người dân gắn bó với các cơ sở giáo dục thường xuyên bởi sự tồn tại của nó trong cộng đồng, do cộng đồng, vì cộng đồng, của cộng đồng đã xóa đi nhiều rào cản đối với việc học tập thường xuyên của họ như không có sự khó khăn về giao thông, việc bố trí thời gian học linh hoạt nên dễ dàng tham gia, những nội dung cần thiết được cung cấp trực tiếp v.v…

- Số lượng người học tập tăng lên (hàng năm, hiện có khoảng trên dưới 20 triệu lượt người theo học theo các chương trình khác nhau). Dân trí ở địa phương được nâng lên, xã hội ngày càng ổn định, an ninh trật tự được đảm bảo, môi trường có nhiều cải thiện.

- Việc chuyển giao tri thức và công nghệ có ý nghĩa thiết thực cho việc xóa đói giảm nghèo, cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh sản xuất do tăng nhiều việc làm và nghề mới trên địa bàn xã phát triển.

- Các mô hình học tập như gia đình học tập, dòng họ học tập, thôn/bản/tổ dân phố học tập, đơn vị, cộng đồng, thành phố học tập nhờ có các cơ sở giáo dục thường xuyên các cấp mà phát triển thuận lợi.

- Những xã nông thôn mới, những địa bàn dân phố văn minh, phát triển tốt trong đó có nguyên nhân là nhân dân được học tập thường xuyên, cập nhật được những vấn đề về luật pháp, tiếp cận nhanh với các chủ trương của Đảng bộ địa phương và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dưới sự quản lý của chính quyền xã, phường và thị trấn.

Hiện nay, một số người chê trách chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nhân lực của hệ thống giáo dục thường xuyên, thậm chí còn muốn xóa bỏ những cơ sở giáo dục này. Thực ra, đây không phải lỗi của các thiết chế giáo dục thường xuyên, mà là lỗi của nhà quản lý đã không nhận thức được vai trò, vị trí, tầm quan trọng của giáo dục thường xuyên trong chiến lược phát triển giáo dục; đã đầu tư suy nghĩ, nguồn lực cho giáo dục không đúng mực và thiếu hợp lý, đã thiếu tầm nhìn về giáo dục người lớn v.v…

(Theo giaoduc.net.vn)